Phải chăng thời của các vị sư ‘lệch lạc’ như ông Thích Chân Quang sắp hết khi các Bộ Ngành vào cuộc triệt để.
Trước đó, cử tri tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có ý kiến gửi tới Bộ Nội về việc thời gian gần đây trên không gian mạng xuất hiện nhiều vị tu sĩ thuyết pháp mang tính mê tín dị đoan, chê bai nghề nghiệp của người dân và đi ngược giáo lý nhà Phật gây phản cảm và bức xúc trong cộng đồng dân cư.
Theo cử tri, việc làm nêu trên diễn ra thường xuyên, kéo dài nhưng chưa có thông tin cơ quan nào làm việc, nhắc nhở hay xử lý. Bên cạnh đó, Giáo hội Phật giáo cũng không lên tiếng hoặc công khai đính chính có hay không việc các tu sĩ thuyết pháp trái với pháp luật Nhà nước và giáo lý nhà Phật.
“Từ đó, gây tâm lý hoang mang trong người dân và có thể xảy ra xung đột giữa các tôn giáo và các tín đồ. Đề nghị cần có giải pháp quản lý và xử lý nghiêm các trường hợp trên”- cử tri gửi kiến nghị đến Bộ Nội vụ.
Bộ Nội vụ yêu cầu thẩm tra phát ngôn
Trả lời cử tri về vấn đề này, Bộ Nội vụ cho biết đã nhận được ý kiến phản ánh của công dân về việc một số chức sắc, chức việc, nhà tu hành tôn giáo có thuyết pháp mang tính mê tín dị đoan, chê bai nghề nghiệp của người dân và đi ngược giáo lý Phật giáo gây phản cảm và bức xúc trong cộng đồng dân cư.
Để thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo, Bộ Nội vụ đã giao Ban Tôn giáo Chính phủ làm việc với Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam đề nghị thẩm tra, xác minh, làm rõ các trường hợp phát ngôn, thuyết giảng của chức sắc Phật giáo lan truyền trên các trang mạng xã hội không đúng với giáo lý, giáo luật, truyền thống văn hóa của Phật giáo và lịch sử của dân tộc Việt Nam, đồng thời xử lý nghiêm đối với chức sắc, chức việc, nhà tu hành Phật giáo vi phạm một trong các nội dung nêu trên.
Đối với các vụ việc này, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có hình thức kỷ luật Thượng tọa Thích Chân Quang không được thuyết giảng dưới mọi hình thức, không chủ trì tổ chức các sự kiện tập trung đông người tại chùa Phật Quang và các địa điểm khác trong thời gian 2 năm.
Đồng thời, thu hồi tất cả các Phái Quy y Tam bảo có nội dung tự sửa 1 trong 5 giới không đúng với giới luật ngũ giới do Đức Phật chế trong giới luật Phật giáo, gỡ bỏ tất cả bài giảng có nội dung gây hoang mang dư luận, chấn chỉnh sinh hoạt của các đạo tràng, chúng thanh niên Phật Quang tại các tỉnh, thành phố.
Cùng với đó, không đưa các bài giảng của Thượng tọa Thích Chân Quang lên các nền tảng mạng xã hội trong thời gian Thượng tọa Thích Chân Quang nhập thất sám hối tại Chùa Phật Quang.
Bộ Giáo dục thẩm định lại bằng cấp
Về luận án tiến sĩ của Thích Chân Quang, trả lời trên Dân Trí ngày 13.8, PGS. TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GDĐT cho biết theo quy định hiện hành về đào tạo tiến sĩ, Bộ đã gửi các chuyên gia phản biện độc lập thẩm định chất lượng luận án. Trên cơ sở kết quả thẩm định, Bộ sẽ tiến hành thành lập Hội đồng thẩm định luận án theo đúng quy định. Quy trình này cần thêm thời gian để tổ chức thực hiện.
Tại sao lại phải lập hội đồng thẩm định luận án tiến sĩ của ông Thích Chân Quang khi mà bằng bổ túc văn hóa cấp ba của ông là giả. Sở GDĐT TPHCM xác nhận ông Vương Tấn Việt, sinh năm 1959, không có tên trong danh sách dự thi và bảng ghi tên, ghi điểm trong kỳ thi tốt nghiệp bổ túc văn hóa cấp ba năm 1989 của Sở GDĐT TPHCM.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng xác định nghi vấn về giá trị của tấm bằng này là có căn cứ.
Việc tiếp tục xác minh văn bằng bổ túc cấp ba “giả” của ông Vương Tấn Việt là cần thiết, phải làm ngay. Cách làm không có gì khó, chỉ cần xem hồ sơ nhập học vào Trường Đại học Luật Hà Nội của sinh viên Vương Tấn Việt là rõ ngay. Nếu hồ sơ bị tẩu tán, thất lạc, thì công an vào cuộc điều tra.
Đề nghị ông Thích Chân Quang trình bằng bổ túc văn hóa cấp ba của ông xem có hay không?
Xác định được Thích Chân Quang không có bằng bổ túc cấp ba, hay nói đúng hơn là sử dụng bằng giả, thì hủy toàn bộ các bằng cấp cử nhân luật, tiến sĩ luật. Việc đơn giản như vậy tại sao phải loanh quanh, làm phức tạp thêm.
Theo khoản 3, điều 20, thông tư 08/2021/TT-BGDDT ngày 18.3.2021 của Bộ GDĐT ban hành quy chế đào tạo trình độ đại học quy định: “Người học sử dụng hồ sơ, văn bằng, chứng chỉ giả làm điều kiện trúng tuyển hoặc điều kiện tốt nghiệp sẽ bị buộc thôi học; văn bằng tốt nghiệp nếu đã được cấp sẽ bị thu hồi, hủy bỏ”.
Sau khi hủy các bằng cấp của Thích Chân Quang, việc còn lại là làm rõ trách nhiệm của các cá nhân liên quan đến vụ việc này.
Có nhiều chuyên gia lên tiếng về chất lượng học thuật trong luận án tiến sĩ của Thích Chân Quang, nhưng việc thẩm định chỉ cần thiết khi quá trình học cử nhân và làm nghiên cứu sinh của Thích Chân Quang thực hiện bình thường, không có sai phạm. Còn sử dụng bằng giả, thì việc gì phải thẩm định cho mất thì giờ vô ích.
Chẳng lẽ Thích Chân Quang sử dụng bằng giả, không học cấp ba bổ túc văn hóa, nhưng hội đồng thẩm định luận án tiến sĩ kết luận luận án đạt chất lượng, thì cũng công nhận Thích Chân Quang là tiến sĩ hay sao?
Cũng theo bà Nguyễn Thu Thủy, Bộ GD-ĐT đã tiến hành kiểm tra, xác minh hồ sơ quá trình đào tạo của ông Vương Tấn Việt tại Trường ĐH Luật Hà Nội. Hồ sơ quá trình đào tạo về cơ bản không trái với các quy định pháp luật áp dụng cho trường hợp người học Vương Tấn Việt. Trong hồ sơ thể hiện một số thiếu sót trong quá trình đào tạo nhưng đã được khắc phục trong quá trình đào tạo đó.
Bước tiếp theo mà Bộ GD-ĐT đang làm là gửi các chuyên gia phản biện độc lập thẩm định chất lượng luận án tiến sĩ của ông Vương Tấn Việt, theo quy định hiện hành về đào tạo tiến sĩ. Trên cơ sở kết quả thẩm định, Bộ GD-ĐT sẽ tiến hành thành lập hội đồng thẩm định luận án theo đúng quy định. Quy trình này cần thêm thời gian để tổ chức thực hiện.
Bà Nguyễn Thu Thủy cho biết: “Bộ GD-ĐT là cơ quan quản lý nhà nước, đưa ra các quyết định và xử lý phải cẩn trọng, tuân thủ đúng quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, trong quá trình xác minh vụ việc có những thông tin chưa được phép công bố khi chưa có đầy đủ căn cứ. Bộ GD-ĐT đã chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng để có thông tin rõ ràng, chắc chắn trước khi cơ quan có thẩm quyền đưa ra công bố chính thức”.